Mâm cơm ngày Tết của 3 miền có gì khác biệt?

Nội dung bài viết gồm:

Mâm cơm ngày Tết (cỗ Tết) của người Việt bao giờ cũng đầy đủ và thịnh soạn, lễ nghi  hơn ngày thường! Với người Việt, Tết là đoàn viên – để mỗi người trong gia đình dù xa hãy gần đều muốn quay về sum họp bên gia đình. Vì vậy, mâm cỗ Tết không chỉ mang ý nghĩa tri ân đến ông bà, tổ tiên và cầu mong năm mới ấm no, hạnh phúc. Mà bữa cơm ngày Tết cũng là thời gian mọi người cùng thưởng thức những món ăn ngon, cùng trò chuyện, cùng chia sẻ để tình cảm gia đình thêm gắn bó.

Có rất nhiều chị em thường trăn trở khi làm dâu khác miền. Bởi khẩu vị mỗi vùng khác nhau, mà cỗ Tết cũng lạ lẫm. Nghĩ thì thấy khó vậy nhưng cỗ Tết từng miền đều có nét đặc trưng riêng. Chị em hoàn toàn có thể am tường các món ăn đặc trưng ngày Tết của từng vùng miền mà không quá vất vả!

Hãy cùng Học Món Việt tìm hiểu về mâm cơm Tết truyền thống của 3 miền. Để chị em có cơ sở chuẩn bị một mâm cỗ tết “chuẩn” nhất nhé!

1. Mâm cơm Tết của người miền Bắc – đầy đủ và màu sắc

Người miền Bắc tin rằng: sự sinh động và nhiều màu sắc trên mâm cỗ Tết sẽ mang lại tài lộc cho gia chủ. Vì vậy mà mâm cỗ miền Bắc có rất nhiều món với các nguyên liệu đa dạng.

Đại diện tiêu biểu cho miền Bắc chính là mâm cơm Tết của người Hà Nội. Bởi là đất kinh kỳ từ xa xưa, nên ẩm thực và mâm cỗ cho ngày Tết của người Hà Thành rất bài bản và chuẩn mực! Nếu ghé thăm những gia đình Hà Nội gốc chuẩn bị món ăn cho ngày Tết mới thấy được hết cái hay, cái đẹp, sự tinh tế và cầu kỳ của người Tràng An.

Tùy theo điều kiện gia đình mà chuẩn bị mâm cơm ngày Tết cho phù hợp. Mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ (năm, tháng, ngày và giờ sinh), bốn mùa và bốn phương.

Bốn bát ở đây là các món: Măng lưỡi lợn hầm chân giò, chim hầm, canh bóng bì nấm thả, miến nấu lòng gà. Bốn đĩa có thể gồm các món: Gà luộc, thịt nấu đông/giò lụa/giò thủ, bánh chưng, xôi gấc, dưa hành, … Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài.

Bát đĩa trong mâm cỗ Tết cũng phải đồng bộ, không được bát nọ mà đĩa kia khiến cho mâm cỗ trở nên lộn xộn. Và phải dùng bát đĩa sứ Giang Tây có hoa văn, hay gốm Bát Tràng tráng men lam truyền thống.

mam co tet mien bac
Các món ăn đặc trưng trong mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc

Cỗ Tết ngày nay cũng không yêu cầu cứng nhắc như trước. Người ta có thể đựng trong bát đĩa tráng men trắng hiện đại nhưng vẫn phải đảm bảo sự tinh tế, sạch sẽ và đồng bộ. Nhưng các món ăn vẫn đầy đủ sắp xếp các món ăn xen kẽ nhau theo màu sắc để tạo sự hài hòa. Đơn giản như là xếp bát trong và các đĩa quây quần bên ngoài. Riêng chén nước mắm luôn để ở giữa.

2. Mâm cơm ngày Tết của người miền Trung – giản đơn, chân thành

Mâm cỗ Tết miền Trung thường đơn giản và thể hiện tinh thần tiết kiệm, sẻ chia. Ngoại trừ Huế nơi ảnh hưởng của ẩm thực cung đình và một số tỉnh bắc miền Trung còn ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa miền Bắc. Tuy nhiên, mâm cỗ Tết luôn được chuẩn bị và bày biện cầu kỳ, đẹp mắt không thua kém bất kỳ địa phương nào. Các món ăn trên mâm cơm hay mâm cỗ Tết thường được chia vào chén hoặc đĩa vừa phải, nhưng lại rất đa dạng trong cách ăn.

Mâm cỗ Tết miền Trung không có quy định về số món. Thường thì tùy theo điều kiện hay truyền thống gia đình mà sắp xếp cho phù hợp thôi.

Nếu người miền Bắc có bánh chưng thì miền Trung có bánh tét và thường là bánh tét chay nhân đỗ. Bên cạnh đó, không thể thiếu dưa món làm từ củ kiệu, cà rốt, đu đủ ngâm chua ngọt và thịt heo ngâm nước mắm. Người miền Trung ưa thích các món cuốn và chấm. Do vậy, bạn sẽ thấy các món thịt luộc, nem tré và rau sống có rất nhiều.

Ngoài ra còn có món mắm tôm chua nức tiếng gần xa. Mắm tôm chua ăn cùng thịt heo ngon bá cháy luôn đó. Và đặc biệt là trong mâm cỗ tết của người miền Trung thường có bày rượu. Loại rượu này thường là rượu truyền thống. Người Bình Định có rượu Bầu Đá. Người Quảng Nam có rượu Hồng Đào. Còn người Huế có rượu Minh Mạng.

Bát đĩa đựng đồ ăn cũng to hơn miền Bắc. Đồ ăn vun đầy, xếp cạnh nhau thành hình tròn như biểu hiện của sự chắt chiu, chia sẻ. Trong mâm cỗ còn có các loại bánh trái truyền thống như bánh tổ, bánh in, xôi ngọt, …

mam co tet mien trung
Các món ăn đặc trưng trong mâm cơm ngày Tết của người miền Trung

Đất miền Trung khô cằn, người miền Trung nhiều vất vả. Mâm cơm ngày Tết do vậy không yêu cầu khắt khe phải có cái nọ cái kia. Tuy nhiên theo quan niệm truyền thống họ vẫn cố gắng tổ chức thịnh soạn nhất có thể. Mâm cỗ Tết miền Trung vừa ngon miệng lại đẹp mắt, bạn có dịp thử một lần sẽ nhớ mãi.

3. Mâm cơm Tết của người miền Nam – trù phú và phóng khoáng

Người miền Nam giản dị, chân phương và phóng khoáng. Bởi vậy nên mâm cỗ Tết thường đơn giản hơn so với miền Bắc hay miền Trung. Tuy nhiên, đơn giản nhưng không phải là xuề xòa, tùy ý. Mâm cơm ngày Tết được người miền Nam chuẩn bị khá nhiều món ăn. Chủ yếu là các món ăn thường nhật thôi nhưng được chuẩn bị cầu kỳ và trang trí đẹp mắt hơn!

Đặc trưng miền Nam có những sản vật phong phú và ẩm thực rất da dạng. Vốn tính phóng khoáng, mâm cỗ của người miền Nam không gò bó về nghi thức. Người miền Nam cũng không khắt khe trong cách ăn uống. Bữa cơm ngày Tết chỉ cần đủ đầy thôi chứ không yêu cầu gì quá phức tạp.

Món ăn thường xuất hiện nhất trong mâm cỗ và mâm cơm Tết miền Nam là thịt kho nước dừa. Bên cạnh chuẩn bị món thịt kho thì các chị em làm dâu miền Nam cũng cần chú ý đến món canh khổ qua dồn thịt. Món canh này vừa giúp cơm Tết đỡ ngán, vừa được tin rằng sẽ giúp mọi khó khăn, đau khổ của năm cũ qua đi.

Người miền Nam cũng có bánh tét trong ngày Tết. Nhưng lại rất đa dạng về loại nhân lẫn cách gói.  Từ nhân đậu xanh pha đậu đen hạt đến nhân chuối, nhân dừa, nhân trứng muối… Bánh tét miền Nam được ăn kèm với dưa món, củ kiệu, tôm khô. Ngoài ra cũng sẽ có những món ăn từ vùng miền khác xuất hiện trong mâm cỗ Tết miền Nam như: chả giò, chả lụa, lạp xưởng, … Hoa quả chắc chắn không thể thiếu dưa hấu. Người miền Nam có thói quen ăn dưa hấu với cơm. Vừa ngon lại chống ngán thịt thà ngày Tết.

Riêng mâm ngũ quả cúng Tết thì rất được chú trọng với các bài trí bắt mắt. Người miền Nam thường sắp xếp mâm ngũ quả theo quy tắc “Cầu sung vừa đủ xài” để mong năm mới được sung túc, đủ đầy.

mam co tet mien nam
Các món ăn đặc trưng trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam

Sự đa dạng trong món ăn mùa Tết đôi khi khiến các chị em vất vả! Chuẩn bị đầy đủ cho mâm cơm ngày Tết thì chị em đã là  “Mẹ siêu nhân” rồi đấy! Đi chợ, nấu ăn và chọn lựa món ăn cho đúng khẩu vị gia đình mình và gia đình chồng luôn yêu cầu nhiều sự tỉ mỉ. Nhưng chỉ cần chịu khó tìm hiểu và chăm chút từng món ăn thì chị em hoàn toàn có thể cho cả gia đình hưởng một cái Tết thật ý nghĩa và trọn vẹn!

Tháng 1 này, Trung tâm Học Món Việt có khai giảng lớp dạy Nấu ăn gia đình đặc biệt. Trong khóa học, ngoài các món ăn gia đình hàng ngày, các chị em sẽ được học chế biến các món ăn ngày Tết truyền thống. Ngoài ra, các chị em còn có thể đề xuất được học thêm các món theo nguyện vọng nữa nhé! Hãy tham gia khóa học, để có thêm công thức và bí quyết chế biến các món ăn một cách hoàn hảo. Cùng vui vẻ và tự tin chào đón ngày Tết dù là dâu mới hay dâu cũ nhé!

Tham khảo nội dung khóa học tại: https://www.trungcapnauan.net/2020/12/day-nau-an-gia.html

Chúc các chị em cùng gia đình có những ngày Tết vui vẻ và đầm ấm!

One thought on “Mâm cơm ngày Tết của 3 miền có gì khác biệt?

Để lại một bình luận

Top